1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cạn kiệt vũ khí, Ukraine cấp tập phòng thủ chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài

Minh Phương

(Dân trí) - Đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực, Ukraine đang cấp tập gia cố tuyến phòng thủ trong lúc chờ viện trợ và sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài.

Cạn kiệt vũ khí, Ukraine cấp tập phòng thủ chuẩn bị cho cuộc chiến kéo dài - 1

Binh sĩ Ukraine luyện tập tại một trường bắn ở Donetsk (Ảnh: EPA).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết quân đội nước này đang trong "quá trình liên tục" xây dựng khoảng 2.000km tuyến phòng thủ.

Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các công trình bao gồm hàng rào răng rồng, hào chống tăng, chiến hào bộ binh, bãi mìn, các vị trí phòng thủ kiên cố.

"Việc thiết lập các vị trí phòng thủ quan trọng là dấu hiệu cho thấy tính chất tiêu hao của cuộc xung đột… Bất kỳ nỗ lực nào nhằm chọc thủng phòng tuyến của đối phương đều có thể đi kèm với tổn thất lớn", Bộ Quốc phòng Anh bình luận.

Cả Nga và Ukraine hiện giờ đều hy vọng gây tổn thất nặng nề nhất có thể cho đối phương trong dài hạn.

Phòng tuyến 3 lớp của Nga được xây dựng từ năm 2023 trên lãnh thổ Ukraine đã cản trở cuộc phản công của Kiev. Phòng tuyến của Ukraine có thể đơn giản hơn nhưng cần thiết để bù đắp cho sự thiếu hụt đạn dược của nước này.

Tiến sĩ Ivan Klyszcz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế của Estonia, cho biết: "Các quan chức Ukraine đã nói rằng thời gian là yếu tố chính ngăn cản họ xây dựng thứ gì đó giống phòng tuyến Surovikin. Sự khan hiếm đạn dược và tinh thần sa sút đã đặt Ukraine vào thế phòng thủ".

"Các phòng tuyến của Ukraine được thiết kế để gây thiệt hại tối đa cho Nga. Các loại phòng thủ này khá hiệu quả trong việc làm chậm đà tiến công của đối phương", Seth Jones, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Quốc tế (CSIS), nhận định.

Theo các nhà phân tích của tổ chức phân tích tình báo tư nhân Anh IHS Janes, Ukraine đã dựa vào các công sự kể từ mùa xuân năm 2022, nhưng sự khác biệt hiện giờ là họ không chỉ tập trung vào việc củng cố các khu vực lân cận tiền tuyến, mà cả các khu vực hậu phương.

Giới lãnh đạo Ukraine hy vọng, khi cuộc chiến kéo dài và họ tiếp tục cầm cự, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ cản trở khả năng duy trì nỗ lực của Nga.

Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự của Nga cho rằng, điều này cho thấy Ukraine đã thừa nhận chiến dịch phản công của họ thất bại. "Vấn đề là liệu Ukraine có đủ nhân lực để xây dựng và bảo vệ phòng tuyến đó không", Tiến sĩ Vasily Kashin tại trường Kinh tế Moscow cho biết.

Nga dường như hy vọng chiến sự kéo dài sẽ khiến nguồn viện trợ tài chính, quân sự của phương Tây cho Kiev cạn kiệt.

Nói cách khác, hai bên đều đang có chung một chiến lược: củng cố lực lượng cho một cuộc chiến dài hơi. "Ukraine đang tìm cách kéo dài cuộc chiến này ít nhất đến 2025", ông Kashin nói.

Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp tuần trước cũng nhận định, cả Nga và Ukraine đang "chạy đua xây dựng lại tiềm năng chiến đấu để có thể giành chiến thắng vào năm 2025 hoặc 2026". Hiện tại, không bên nào có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng cũng không từ bỏ mục tiêu giành chiến thắng.

"Xung đột có thể kéo dài thêm 1-2 năm nữa trước khi hai bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán", Tiến sĩ Jones của CSIS dự đoán.

Theo AFP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine