TT-Huế:

Xót lòng lăng một vị vua triều Nguyễn

(Dân trí) - Du khách khi đến Huế sẽ thật khó để tìm ra lăng vua Hiệp Hòa - một trong 13 vị vua Triều Nguyễn, ông vua chỉ nắm giữ ngai vàng trong vòng 4 tháng. Bởi lẽ lăng của ông chỉ như mộ của biết bao người dân bình thường khác.

Nơi yên giấc nghìn thu của một vị vua

Theo quan niệm phương Đông, các vị vua khi mới lên ngôi đều tìm chọn cho mình một chỗ đắc địa xây dựng lăng tẩm - nơi an nghỉ cuối cùng cho riêng mình.

Lăng tẩm là những kỳ quan được thiết kế xây dựng rất kỳ công trong những không gian hoành tráng hùng vĩ, là sự kết hợp hài hòa của kiến trúc với những cảnh quan thiên nhiên, có giá trị thẩm mỹ cao và mang đậm cá tính của mỗi vị vua. Các lăng phản ánh hình thái tâm linh, quan niệm vĩnh cửu và huyền bí phương Đông. Đây được coi như là một cung điện thứ hai của nhà vua khi về thế giới bên kia. Trong 13 vị vua triều Nguyễn, 12 vị đều có nơi an nghỉ lộng lẫy.

Đến Huế chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự hoành tráng khi ngắm nhìn lăng Khải Định, Tự Đức, Minh Mạng… Thế nhưng có một vị vua xấu số là vua Hiệp Hòa, mộ của ông chỉ như những ngôi mộ người dân bình thường.

Xót lòng lăng một vị vua triều Nguyễn - 1
Tấm biển chỉ dẫn đường vào lăng vua Hiệp Hòa nằm bên đường Tam Thai đã ngả màu rêu phong, cỏ mọc um tùm rất khó để nhận ra.

Vượt qua chặng đường hơn 7km từ thành phố Huế, chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Theo tấm bảng chỉ dẫn bằng bê tông nằm núp sau vòm cây cỏ do lâu ngày không ai cắt dọn, chúng tôi rẽ vào con đường mấp mô đất đá với 2 bên là khu nghĩa trang phía Tây thành phố Huế.

Phải mất gần 10 phút chúng tôi mới tìm ra nơi vua Hiệp Hòa đã yên nghỉ cách đây 128 năm. Do thời gian, tường gạch đã ngả màu rêu phủ, ngôi mộ bình thường đến nỗi không có điểm gì đặc biệt hơn những ngôi mộ của người dân xung quanh. Lăng chỉ vẻn vẹn chừng 30m2, có một mái che bằng ngói, 2 bậc thang bước lên, ở giữa là tấm bia nhỏ bằng xi măng khắc mấy dòng bằng chữ Quốc ngữ: Vua Hiệp Hòa tức Nguyễn Phúc Hồng Dật - Sinh ngày 24/9 năm Đinh Mùi (1/11/1847) - Mất ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi (29/11/1883).

Mặt sau của tấm bia có ghi bốn câu thơ bằng chữ Hán của vua Tự Đức, dịch nghĩa là: “Em ta được mười bốn - Ham học thật ít người - Ngoại trừ Kiến Thụy Công - Nay chỉ còn Văn Lãng”.

Phía sau nhà bia là cổng vào mộ có hai câu viết bằng chữ Hán. Câu bên phải là của vua Hiệp Hòa tự đánh giá về mình: “Quý dĩ tiên hoàng quý tử tư chất tầm thường thật vạn bất can đương”, dịch nghĩa: “Là con út yêu quý của tiên hoàng có tư chất tầm thường không cam nổi ngai vàng”.

Câu bên trái là của Viện Cơ Mật: “Kim nhật tất cầu xã tắc trường quân vô như Văn Lãng Công chi hiền”, dịch nghĩa: “Khen Văn Lãng Công hoàn tất tốt việc cúng tế ở đàn xã tắc”.

Xót lòng lăng một vị vua triều Nguyễn - 2
Toàn cảnh ngôi mộ của vua Hiệp Hòa

Phía sau bình phong có đắp nổi hình tượng lưỡng long tranh châu bằng sành sứ. Chính giữa là một bát hương đã tàn lạnh, lâu ngày không người hương khói.
 
Xung quanh khu vực lăng, cây cỏ mọc xanh không ai nhổ bỏ, quét dọn, không tường chắn bao bọc, chỉ đơn giản, sơ sài. Lăng của một ông vua mà biết bao người thắc mắc, ngạc nhiên. Nó thật lạ, lạ như chính cuộc đời ông vậy.

Vì đâu nên nỗi?

Theo sử cũ, vua Hiệp Hòa tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị, sinh ngày 1/11/1847. Năm 1865 Hồng Dật được phong Văn Lãng Công, đến năm 1879 được phong là Lãng Quốc Công. Tháng 6/1883 sau khi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng chân tay phế xong vua Dục Đức, được ý chỉ của Từ Dụ Hoàng Thái hậu, triều đình cử một phái đoàn ra Kim Long rước Lãng Quốc Công vào Đại Nội để chuẩn bị làm lễ đăng quang. Hồng Dật khóc mà rằng: “Tôi là con út của tiên đế, tư chất tầm thường, không dám nhận ngôi vua”. Phái đoàn vừa năn nỉ vừa dùng vũ lực mới đưa được Lãng Quốc Công vào Cấm Thành. Hai hôm sau trở thành Vua Hiệp Hòa!

Từ ngày đó, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thâu tóm mọi quyền hành, không thèm đếm xỉa gì đến vua. Hiệp Hòa tức lắm, muốn tước bớt quyền lực của họ, đã kiên quyết điều Tôn Thất Thuyết từ bộ Binh sang bộ Lại.

Làm vua được bốn tháng thì Hiệp Hòa nhận được mật sớ của hai người thân tín xin giết hai quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Hiệp Hòa phê vào sớ: “ Giao cho Trần Khanh phụng duyệt”, xong bỏ vào tráp sai thái giám Trần Đại mang đến nhà Trần Tiến Thành.

Trên đường đi bị Tôn Thất Thuyết phát hiện, mọi chuyện bại lộ. Hai quyền thần trên cho mời các đại thần đến, kể tội vua Hiệp Hòa và ép các đại thần ký vào sớ đòi phế truất Hiệp Hòa, sau đó vào cung Diên Thọ xin ý chỉ của Hoàng Thái Hậu, đồng thời cho 50 lính vào điện Càn Thành bắt Hiệp Hòa phải tự xử mình theo lệ “Tam ban triều điển” dành cho các đế vương phạm tội tử hình.

Xót lòng lăng một vị vua triều Nguyễn - 3
Tấm bia trên mộ vua Hiệp Hòa đã bạc màu do thời gian

Đang đêm khuya vua mới biết có sự biến, hỏi đến trực hầu thì chỉ có một vài thái giám. Vua sai thái giám Trần Đạt đem chiếu nhường ngôi tới và xin được trở về phủ cũ. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường giả vờ nhận lời cho người đem võng đưa vua và cung phi về phủ ở Phú Xuân, song lại bí mật dặn Ông Ích Khiêm và Trương Văn Đễ đón ở cửa Hiểu Nhân, chặn đường vua đưa đến nhà Hộ Thành, ép uống thuốc độc tự tử.

Đó là ngày 30 tháng 10 năm Qúy Mùi tức 29 tháng 11 năm 1883. Hiệp Hòa làm vua được 4 tháng, chết lúc 36 tuổi, giao cho Phủ Tôn nhân chôn cất theo nghi thức Quốc Công. Vì là phế đế nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.

Xót lòng lăng một vị vua triều Nguyễn - 4
Tác giả bên ngôi mộ vua

Thắp nén nhang thành kính kính viếng hương hồn vị vua xấu số, chúng tôi thấy mặt trời đã lặn xuống núi tự lúc nào. Rời lăng vua Hiệp Hòa, sau lưng chúng tôi, tiếng rừng thông reo réo rắt hòa lẫn tiếng chim chóc bất chợt kêu vang quanh nơi ông yên nghỉ giấc ngàn thu.

Dung Nguyễn - Thái Bá - Đại Dương