1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Mưa lũ năm nay nguy cơ lặp lại lịch sử năm 2020

Hà Mỹ

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cảnh báo mưa lớn, bão, ngập lụt cũng như lũ quét, sạt lở ở miền Trung trong năm nay có dấu hiệu tương tự mùa bão năm 2020.

Thông tin được ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, tổ chức sáng 10/5 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì. 

Nhận định về xu hướng thời tiết giai đoạn nửa cuối năm, ông Cường cho biết nắng nóng gia tăng về cường độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 6. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8. 

Đồng thời, Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 8, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Mưa lũ năm nay nguy cơ lặp lại lịch sử năm 2020 - 1

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận định về xu hướng thiên tai năm 2024 (Ảnh: Đ.Huy).

Trong năm nay, cơ quan khí tượng dự báo có khoảng 11-13 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của các hình thái này khả năng tập trung vào nửa cuối mùa bão từ tháng 9 đến tháng 11. 

"Với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền. Mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm nay có dấu hiệu tương tự mùa mưa bão năm 2020", ông Cường nhận định. 

Năm 2020, chỉ trong vòng hơn một tháng (từ ngày 6/10 đến 15/11), miền Trung hứng chịu ảnh hưởng của 8 cơn bão, một vùng áp thấp và một áp thấp nhiệt đới nối nhau vào Biển Đông, gây mưa lớn cực đoan trên đất liền, lũ lụt lịch sử, cùng hàng loạt vụ sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Mưa lũ lịch sử năm 2020 ở miền Trung đã khiến 138 người chết, 16 người mất tích, 398 người bị thương. Hơn 6.200 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; gần 380.000 nhà bị ngập. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai sẽ là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, ông cho rằng cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mưa lũ năm nay nguy cơ lặp lại lịch sử năm 2020 - 2

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đ.Huy).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai.

Thiệt hại do thiên tai được giảm thiểu tối đa cho thấy các cấp bộ ngành Trung ương, các địa phương đã có sự chủ động hơn, nhất là trong công tác dự báo và ứng phó.

Dù vậy, Phó Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi một số quy định pháp luật hiện nay chưa thông suốt hoặc quá cũ, không còn phù hợp thực tiễn. Trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai cũng còn hạn chế. 

Mưa lũ năm nay nguy cơ lặp lại lịch sử năm 2020 - 3

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Đ.Huy).

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp bộ ngành, UBND các địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp.

Theo đó, các bộ ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự trên tinh thần "cái nào đã rõ thì đưa vào nghị định, còn chưa rõ thì đưa vào thông tư, hướng dẫn". 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp bộ ngành và cộng đồng.

Đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ; rà soát, cập nhật, tính toán phương án phòng chống thiên tai, tăng cường chất lượng công tác dự báo bảo đảm kịp thời, chuẩn xác nhất có thể.

"Việt Nam mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời xem xét tài trợ về công tác dự báo để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.