1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đã tìm ra cách tiêu diệt xuồng tự sát của Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga dường như đang thử nghiệm UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) chuyên phá hủy xuồng tự sát.

Nga đã tìm ra cách tiêu diệt xuồng tự sát của Ukraine? - 1

Hình ảnh được cho là Nga đang thử nghiệm UAV lao vào mục tiêu trên biển (Ảnh: Defense Express).

Defense Express đưa tin, một đoạn video xuất hiện trên mạng internet cho thấy Nga có thể đang thử nghiệm UAV FPV chuyên tiêu diệt mục tiêu hải quân, trong đó có cả xuồng không người lái tự sát.

Trong video, Nga đã phóng một máy bay không người lái cất cánh thẳng đứng từ một chiếc tàu nhỏ. UAV sau đó bay tới mục tiêu và thả quả lựu đạn xuống để tấn công.

UAV FPV có kích thước nhỏ nên khó bị phát hiện hơn các loại vũ khí tác chiến hải quân thông thường, đặc biệt là ở vùng biển.

Đối với Nga, việc triển khai máy bay không người lái có thể đóng vai trò thay thế cho tên lửa chống hạm, vốn đắt tiền hơn và có thể không hiệu quả bằng khi tấn công các mục tiêu hải quân.

Trong thời gian qua, bán đảo Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công bằng xuồng tự sát. Điều này cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ đang chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev.

Ukraine cho biết một số tàu hải quân Nga đã di dời khỏi Sevastopol tới Novorossiysk trên đất liền Nga để tránh trở thành mục tiêu cho xuồng tự sát của Kiev. Địa điểm mới thiếu trang thiết bị để thực hiện các hoạt động ở quy mô tương tự, đặc biệt là trong việc lắp tên lửa Kalibr lên tàu hải quân để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Scott Savitz, nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định các xuồng tự sát gắn thuốc nổ của Ukraine có thể được xem là vũ khí đáng gờm chống lại các hạm đội và thậm chí cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở Biển Đen.

Theo ông Savitz, xuồng tự sát thậm chí còn nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không như tên lửa và bom. Chi phí tương đối thấp của xuồng tự sát cũng có thể cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn, khiến tàu chiến Nga khó phát hiện và đánh chặn toàn bộ mục tiêu.

Các chuyên gia cho hay, xuồng tự sát Ukraine thường di chuyển sát mặt biển và kích thước tương đối nhỏ, nên việc phát hiện chúng bằng radar hoặc thiết bị sóng âm phản xạ là một thách thức lớn với Nga.

Ngoài ra, các xuồng này có thể bị sóng biển che khuất cho tới khi chúng tới rất gần mục tiêu. Việc đánh chặn các vũ khí tương đối nhỏ, tốc độ khá nhanh lúc này trở nên thách thức hơn.

Hồi tháng 9, nhà máy chế tạo máy Kingisepp của Nga đã trình làng chiếc xuồng không người lái điều khiển từ xa có tên GRK-700 Vizir. Theo truyền thông Nga, GRK-700 có nhiệm vụ chính là nghiên cứu địa lý, cụ thể là chụp ảnh đáy biển và tìm kiếm vật thể bị chìm.

Ngoài ra, GRK-700 cũng có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự vì bản chất đây là một chiếc xuồng đa năng nên nó có thể làm nhiệm vụ "săn lùng" xuồng tự sát của đối phương. Bộ Quốc phòng Nga đang đưa GRK-700 vào biên chế Hải quân.

Theo Defense Express, sự xuất hiện của Vizir có thể gây ra mối đe dọa với lực lượng Ukraine ở Biển Đen.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine