Máy ảnh kỹ thuật số: Độ phân giải tăng, giá giảm

Nếu cách đây 2 năm, để sở hữu một chiếc máy ảnh kỹ thuật số (KTS) 3 - 4 "chấm" phải mất từ 5 - 7 triệu đồng thì hiện nay, chỉ từ 2 - 5 triệu đồng, bạn đã có thể lựa chọn và mua được cho mình một chiếc máy ảnh số có độ phân giải cao, dung lượng chụp ảnh lớn.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường máy ảnh KTS đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đại gia trong cuộc chạy đua độ phân giải với nhiều tính năng hấp dẫn, giá thành lại rẻ hơn. Hiện tại, ở Việt Nam có trên 10 nhãn hiệu máy ảnh KTS nổi tiếng như Canon, Nikon, Sony, Olympus, Panasonic, Konica, Pentax... Một số hãng chuyên sản xuất đồ công nghệ thông tin như HP, Epson, BenQ... cũng lao vào thị trường "béo bở" này.

 

Trước đây, cuộc đua giữa các hãng máy ảnh chủ yếu tập trung vào việc đưa ra thị trường các sản phẩm có kiểu dáng mới, giá mềm. Hiện nay, tâm điểm của "cuộc đua" này chính là độ phân giải của máy. Những dòng máy có độ phân giải 2 megapixel (MP) đến nay đã được nhiều hãng ngừng sản xuất, thậm chí đến những máy có độ phân giải không phải thấp như 3,2MP cũng bị ngừng sản xuất vì họ đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hiện nay đã dòng điện thoại chụp ảnh được tích hợp camera có độ phân giải cũng rất cao như Nokia N70 có camera 2MP, Sony Ericsson K750, W800i..., thậm chí lên tới 3,2MP như chiếc điện thoại Sharp SH902.

 

Trong thời gian qua, các hãng máy ảnh liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm có độ phân giải cao, với những ống kính không khác gì ống kính máy cơ chuyên nghiệp như: Oympus C8080WZ, Sony DSC F828 có độ phân giải 8MP... Với việc đưa ra các sản phẩm máy ảnh KTS có độ phân giải cao lên đến 8MP cho những sản phẩm chưa phải là máy ảnh chuyên nghiệp chứng tỏ rằng các nhà sản xuất vẫn muốn "níu chân" người sử dụng bằng những sản phẩm máy ảnh chính thống, đúng tiêu chuẩn nhưng giá thành vẫn rẻ. Bên cạnh đó, các máy ảnh KTS đời mới đều được trang bị khả năng chụp ảnh và quay video chất lượng cao (với 30 khung hình/giây). Ngoài ra, máy ảnh số còn có một số cải tiến khác như góc nhìn, khả năng chống loá hay chỉ đơn giản là cần tăng độ phân giải, tương phản và độ lớn của màn hình LCD để thuận tiện hơn trong khi chụp và xem lại ảnh.

 

Mặc dù điều quan trọng nhất ở một chiếc máy ảnh KTS chính là độ phân giải megapixel, tuy nhiên các nhà sản xuất vẫn hướng sự tập trung vào các tính năng cải tiến quan trọng, đặc biệt là về kiểu dáng, màu sắc của máy ảnh. Tiến bộ vượt bậc nhất của những camera siêu mỏng (Ultracompact) chính là màn hình LCD ngày càng lớn, trang bị tính năng không dây, cho phép người dùng kết nối Wi-Fi (có thể gửi ảnh trực tiếp lên Internet bằng máy ảnh)... hay như chiếc máy ảnh Kodak V570 sử dụng công nghệ mới có hai ống kính (gồm 1 ống kính góc rộng và 1 ống kính tele) vừa được giới thiệu ở VN không lâu với giá khoảng 400USD.

 

Kiểu dáng và phong cách của máy ảnh cũng là một chủ đề "hot" trong thời điểm hiện nay khi các nhà sản xuất luôn tung ra những máy ảnh "siêu mỏng", "siêu nhẹ". Đại diện cho xu hướng này chính là dòng máy ảnh Exilim của Casio, Nikon coolpix S1, Sony T7... với nhiều máy có độ dày chưa đầy 1cm và chỉ nặng khoảng 130gr. Nhiều nhà sản xuất còn cung cấp cho người sử dụng những phụ kiện độc đáo đối với những dòng máy nhỏ, mỏng như dây đeo máy ảnh ở tay, vòng qua cổ hay như những máy in ảnh trực tiếp có thể bỏ túi mang theo.

 

Sự cạnh tranh tích cực của các hãng máy ảnh trong việc giành lại thị trường chính là điều kiện tích cực, đem lại cho người sử dụng những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao với giá thành ngày càng thấp.

 

Ngoài dòng máy ảnh KTS dùng trong gia đình, thì dòng máy chuyên nghiệp hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ người sử dụng. Họ là những phóng viên, nhiếp ảnh gia hay những người ham mê sáng tác nghệ thuật. Những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp này giá rất đắt với những thân máy có giá hàng ngàn USD, những chiếc ống kính trị giá trên 10 ngàn USD. Tuy nhiên, đa số những chiếc máy ảnh này đều được đặt mua ở nước ngoài. Khi mua máy digital chuyên dụng, họ thường phải mua riêng máy và ống kính. Dân chuyên nghiệp hay tìm đến những thương hiệu lớn, chuyên về máy ảnh như Nikon, Canon...

 

Tuy nhiên, các máy tại thị trường VN có giá thành khá đắt so với các sản phẩm cùng loại được bán trong khu vực, lý do chính là thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy ảnh hiện nay lên tới gần 30%. Tại Hà Nội, đại đa số các cửa hàng bán máy ảnh KTS đều chủ yếu bán hàng "xách tay" với giá thành chỉ "chênh" so với hàng bán ở nước ngoài 30 – 50 USD tuỳ loại. Người mua có thể lên mạng tìm hiểu về tính năng, giá thành của loại máy mình mua, sau đó có thể đặt hàng trực tiếp với cửa hàng để có thể sở hữu chiếc máy ảnh của mình.

 

Theo Phi Long

Lao động