1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Tim bé đã thôi loạn nhịp

Chỉ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ nhưng cuộc ghép máy ICD (Máy phá rung tim cấy trên người) vào sáng ngày 21/6 cho em Đặng Thành Vĩnh San, 9 tuổi, lại dài dằng dặc như cả ngày trời. Bởi đây là ca ghép ICD nhỏ tuổi nhất và có lúc ranh giới giữa thành công và thất bại thật mong manh…

Hai anh em song sinh cùng loạn nhịp tim

 

Cách đây chín năm, ngày 19/5/1998, đôi vợ chồng trẻ Đặng Thành Thái - Nguyễn Thị Bích Hiền, ngụ tại P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM, hồi hộp chờ đợi những đứa con đầu đời. Nói “những”, vì lần đó họ không chỉ có một, mà đến hai bé trai, giống nhau như hai giọt nước.

 

Lớn lên trong vòng tay cha mẹ, hai bé Vĩnh Giang (anh) và Vĩnh San (em), thật kháu khỉnh, thông minh, hàng xóm ai cũng thương yêu. Tuy nhiên, đến năm 4 tuổi thì Vĩnh Giang có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, đang chơi đùa, đột nhiên bé lăn ra ngất. Nửa năm sau, đến lượt Vĩnh San có dấu hiệu tương tự. Cơn ngất rất giống nhau, chỉ kéo dài khoảng 5 phút, sau đó chúng tỉnh lại bình thường, vui chơi như không có gì.

 

Sau vài lần như thế, hai vợ chồng anh Thái quyết định đưa con đi khám bệnh. Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, bác sĩ nghi cả hai bị động kinh, cho thuốc về uống. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, tình hình cũng chẳng khá hơn, đặc biệt Vĩnh San ngất nhiều hơn Vĩnh Giang, mỗi khi em lo lắng hoặc không có người thân bên cạnh. Ngày 15/2/2005, trong khi đi vệ sinh trước khi vào lớp học, Vĩnh Giang ngất. Lần này thì quá khủng khiếp, em mãi mãi không còn tỉnh lại nữa. Khi chuyển đến BV Nhi Đồng 2, Vĩnh Giang đã ngưng tim, ngưng thở, các bác sĩ đành bó tay! Sau khi anh ngất đi, đến lượt Vĩnh San ngất, nhưng em may mắn được cứu chữa kịp thời.

 

Tuy nhiên, sau lần đó Vĩnh San còn gặp một may mắn khác. Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Việt, phó khoa tim mạch BV Nhi Đồng 2, kể lại: “Trong một lần ngất sau đó, nhờ đo điện tim kịp thời mà chúng tôi phát hiện trái tim của em có vấn đề. Qua hội chẩn với TS.BS Tôn Thất Minh, BV Thống Nhất, chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân làm em ngất, đó là bất thường về dẫn truyền thần kinh trong tim. Mỗi lần tim lên cơn loạn nhịp, não không đủ máu nuôi, thế là cơn ngất xảy ra”.

 

Tuy nhiên, tìm ra nguyên nhân đã khó, chữa trị lại càng khó hơn nữa. Nếu uống thuốc, Vĩnh San chỉ có thể cầm cự qua ngày, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cách tốt nhất là ghép máy ICD ((Implantable Cardioverter Defibrillator), nhưng ở Việt Nam chưa có mấy bệnh viện làm được chuyện này, mà có làm được thì bệnh nhân nhỏ tuổi quá, bác sĩ cũng “ngán”. Và điều quan trọng nhất, đó là giá một chiếc máy lên đến hàng chục ngàn USD, một gia tài quá lớn đối với đôi vợ chồng giáo viên cấp 1!

 

Cuộc lội ngược dòng số phận

 

Năm qua, trong một lần về nước dự hội nghị tim mạch toàn quốc, GS.BS Bùi Văn Minh, giảng viên Đại học Y khoa Davis - California, Hoa Kỳ, tình cờ biết được câu chuyện của Vĩnh San. Ông đã vận động, quyên góp và đầu tháng này đã chuyển về nước một chiếc máy ICD của hãng Medtronic qua công ty H.T.L. Ông giao máy và đặt niềm tin vào TS.BS Tôn Thất Minh, phó giám đốc Trung tâm tim mạch BV Thống Nhất TPHCM, một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về cắt đốt điện sinh lý và đặt máy tạo nhịp tim.

 

Sáng ngày 21/6, cuộc ghép máy diễn ra tại BV Thống Nhất, êkíp thực hiện lên đến 6 bác sĩ: Tôn Thất Minh, Trương Quang Khanh, Trần Phương Thảo, Trần Văn Kiệt (nhóm cắt đốt điện sinh lý của BV Thống Nhất), Huỳnh Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Tung (khoa tim mạch và gây mê - hồi sức BV Nhi Đồng 2), chưa kể một chuyên viên của hãng Medtronic từ Hong Kong bay sang hỗ trợ.

 

Đúng 8h, Vĩnh San được đưa vào phòng mổ, em mếu máo khóc vì sợ hãi. Sau khi gây mê, 8h45, BS Tôn Thất Minh rạch nhát dao đầu tiên dưới xương đòn trái bệnh nhân, dùng kim chọc vào tĩnh mạch để qua đó đưa vào một ống dẫn và qua ống dẫn luồn vào một điện cực. Những tưởng mọi chuyện suôn sẻ thì trên đường đi, êkíp phát hiện một bất thường về mạch máu. Thế là ngưng tất cả, chuyển sang tĩnh mạch phải để làm lại từ đầu. Đi con đường này thì dài hơn, gian nan hơn vì mạch máu trẻ con quá nhỏ, mảnh mai mà điện cực lại cứng cáp, to lớn bởi đây là thiết bị… của người lớn. BS Minh cho biết đây là lần bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mà ông làm từ trước đến nay. Trước đây ông chỉ làm cho một ca 13 tuổi. Nhưng đặt ICD cho một trẻ 9 tuổi còn phải dự trù một tình huống khác, đó là phải tạo cho dây điện cực một đường vòng ở tĩnh mạch chủ dưới, phòng hờ sau này trẻ lớn lên dây không “thiếu trước hụt sau” gây co kéo tim.

 

10h30, sau gần 2 giờ vất vả, cuối cùng điện cực cũng đến được vách liên thất. Trên màn hình theo dõi, các bác sĩ hồi hộp chờ đợi công đoạn quan trọng nhất: BS Minh lần lượt xoay điện cực từng vòng một để đầu của nó bám vào tim, nếu xoay quá lỏng, đầu điện cực rơi ra; ngược lại, xoay quá mạnh làm thủng tim. Thời gian như ngừng lại, cả phòng mổ lặng im phăng phắc, chỉ có tiếng tích tắc của chiếc máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn gõ nhịp đều đặn. Khi đầu điện cực bám an toàn vào tim, ai cũng ồ lên thở phào nhẹ nhõm.

 

Tiếp theo là công đoạn lắp máy vào người Vĩnh San. Sau khi nối điện cực vào máy, qua một đường rạch dài, các bác sĩ đưa máy nằm gọn vào dưới cơ ngực. 10h55, mọi công đoạn ráp nối hoàn tất. Từ một chiếc máy kiểm tra nằm bên ngoài, chuyên viên của Medtronic kích hoạt, thông qua điện cực, một cú sốc làm nảy người Vĩnh San, điều đó chứng tỏ máy ráp nối chính xác. Chưa hết, sau khi các bác sĩ cho bơm vào người em một loại thuốc kích thích để gây cơn loạn nhịp tim, cơn bị máy hoá giải hoàn toàn, không có biểu hiện gì trên lâm sàng. Cuộc ghép máy ICD thành công mỹ mãn, hành trình lội ngược dòng số phận đã thành công. Đây có thể xem là ca ghép ICD nhỏ tuổi nhất Việt Nam từ trước đến nay, nó sẽ được báo cáo khoa học tại Việt Nam về một ca bệnh hiếm gặp.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị