1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Lập tổ công tác rà soát từng người từ địa phương có dịch Covid-19 về

(Dân trí) - Mỗi tổ công tác gồm ít nhất 2 người, đi rà soát từng nhà vừa theo dõi sức khỏe vừa phát hiện những người đi từ điểm nóng dịch Covid-19 trong nước về như Bệnh viện Bạch Mai.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện đã chuyển sang cấp độ 3- khi có ca bệnh lây lan tại cộng đồng. Vì thế, nhằm khống chế dịch bệnh, thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng cần rà soát được người từ vùng dịch về, từ địa phương có dịch ở trong nước về đang ở cộng đồng.

Theo đó cần lập các tổ công tác, ít nhất có 2 người, thành phần gồm trưởng thôn, trưởng khu phố, cảnh sát khu vực, y tế cơ sở… Mỗi tổ này phụ trách cụm dân cư khoảng 40-50 hộ gia đình.

Ngoài căn cứ trên danh sách các tỉnh đã lập để theo dõi, tổ này cũng cần tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để theo dõi sức khỏe, tiếp tục phát hiện những người từ các ổ dịch trong nước về như Bệnh viện Bạch Mai. 

Lập tổ công tác rà soát từng người từ địa phương có dịch Covid-19 về - 1

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về tăng cường y tế cơ sở chống dịch Covid-19. 

Trung tâm y tế huyện cần tập huấn cho các tổ này, cách thức giám sát từng hộ gia đình, cung cấp biểu mẫu, cung cấp khẩu trang, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn… (có thể dùng cặp nhiệt độ cặp nách) để nhóm này đi làm việc.

Công việc hằng ngày của tổ là đến từng hộ gia đình có trong danh sách theo dõi trong vòng 14 ngày, theo dõi sức khỏe 2 ngày một lần, phát hiện trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở; phát hiện người tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc đi từng vùng dịch về.

Nếu phát hiện người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì phải báo ngay trạm y tế, trung tâm y tế cấp huyện đưa đi khám, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Nếu phát hiện trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, tiếp xúc với người tiếp xúc gần với ca bệnh thì báo với trạm y tế xã để cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Khi đến từng gia đình, tổ này cần xác định các thông tin như: người tiếp xúc gần với ca bệnh và người nghi ngờ, tiếp xúc gần với người từ vùng dịch trong nước về không, có bệnh nền mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, tai biến mạch máu não không…).

Quản lý những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai như thế nào?

Thứ trưởng Tuyên đề nghị, với Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh nhân đã điều trị khỏi ra viện về nhà thì cần tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Khi có biểu hiện thì cần báo ngay cho cơ quan y tế.

Với những bệnh nhân được chuyển về điều trị tiếp tại y tế tuyến dưới, cần được cách ly tại cơ sở y, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách người tiếp xúc để cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Với người sử dụng dịch vụ và tiếp xúc với người cung cấp dịch vụ thì phải lập danh sách để cách ly tập trung, coi như từ ổ dịch về; lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, lập danh sách người tiếp xúc với những người này để cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Lập tổ công tác rà soát từng người từ địa phương có dịch Covid-19 về - 2

“Thẩm quyền ra quyết định cách ly tại nhà là Chủ tịch UBND xã, phường. Nếu sau này đối tượng cách ly tự ý bỏ trốn, đi ra khỏi nhà thì căn cứ vào quyết định này để xử lý theo quy định”, thứ trưởng Tuyên nói.

Những người phải cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm, nhất quyết không được ra khỏi nhà trong thời gian cách ly.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng lưu ý những trường hợp cách ly tại nhà, tại nơi cư trú thì tốt nhất nên được cách ly ở phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì cần sắp xếp giường ngủ cách xa những thành viên khác trong gia đình (khoảng  cách ít nhất 2m). Phòng nên đảm bảo thông thoáng không khí, không nên sử dụng điều hòa.

Nam Phương