Đạo diễn “Nghề báo” nói về… nghề báo!

(Dân trí) - “Những người làm báo luôn đứng trên những vực núi chênh vênh. Bởi, ranh giới giữa sự thật và cái không thật, giữa trách nhiệm và sự cám dỗ là rất mong manh”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.

Anh có nhận xét và đánh giá như thế nào về hình ảnh các nhà báo được phản ánh qua những bộ phim trước đây của Việt Nam?

 

Theo tôi, không chỉ riêng hình ảnh các nhà báo, mà nhiều hình tượng điện ảnh khác như người lính, cô giáo, bác sỹ, kỹ sư… phim chúng ta đều chưa có được cái nhìn đầy đủ và trọn vẹn. Các bộ phim thường thiên về ngợi ca, khen thì nhiều mà chê rất ít. Chính điều đó lại là sự phản ánh thiếu tính khách quan và không chân thật.

 

Khi tôi nhận kịch bản phim Nghề báo, nhiều người nói với tôi rằng, phải cẩn thận, xưa nay chưa có bộ phim nào làm về báo chí thành công cả, chưa có nhân vật phóng viên nào khiến các nhà báo “tâm phục khẩu phục”. Bởi vậy, khi bắt tay vào làm phim, tôi đã nghiên cứu rất kỹ, lang thang nhiều ngày ở các toà soạn, gặp gỡ trò chuyện, tham khảo ý kiến của những người bạn làm báo. Tôi có ý định mời chính các nhà báo tham gia đóng phim, nhưng phần vì họ không thu xếp được thời gian, phần vì… diễn xuất, dù là đóng chính mình, nhưng nghề diễn không hề đơn giản. Tôi đã làm bộ phim Nghề báo với tất cả những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về công việc này. 

 

Đạo diễn “Nghề báo” nói về… nghề báo! - 1
 

ĐD Phi Tiến Sơn.

Vậy, hình ảnh các nhà báo trong phim (qua cảm nhận và suy nghĩ của đạo diễn) là những hình ảnh như thế nào?

 

Tôi đã chọn bối cảnh cho phim là TPHCM chứ không phải Hà Nội, bởi vì TPHCM chính là môi trường làm báo sôi động nhất, nhanh nhạy nhất, cạnh tranh khốc liệt nhất. Từ bối cảnh phim, tôi muốn làm nổi bật một trong những nội dung của phim: giữa một xã hội bộn bề những vấn nạn, những đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và ác, thì nghề báo là một nghề không đơn giản! Các nhà báo luôn đứng chênh vênh trên những vực núi. Bởi, ranh giới giữa sự thật và cái không thật, giữa cảm nhận chủ quan và yếu tố khách quan, giữa trách nhiệm ngòi bút và sự cám dỗ… là rất mong manh.

 

Phim của tôi không có nhân vật một chiều (tốt hẳn hay xấu hẳn), đó cũng chính là bởi cuộc sống không hề giản đơn, đen là đen, trắng là trắng, nhất là với một nghề không đơn giản như nghề báo, thì các nhà báo luôn ở trong tư thế đấu tranh- giữa pháp luật và cảm giác cá nhân. Vì thế, các nhà báo bị cuộc sống đánh lừa nhiều lắm!

 

Hình như anh đang nghi ngờ các nhà báo, nghi ngờ những cảm giác chủ quan của người cầm bút sẽ “biến hoá” sự thật? Đó cũng là luận điểm anh muốn chứng minh trong phim “Nghề báo”? 

 

Cái gì tôi cũng nghi ngờ hết! (cười). Thực ra, như tôi đã nói, những thông tin phản ánh trên mỗi bài báo, đúng hay gần đúng, đủ hay gần đủ, sai hay không sai, chỉ là một ranh giới mong manh. Có nhiều cái, chúng ta nghĩ là đúng, nhưng nhiều khi lại là sai. Nhân vật trong phim của tôi cũng mắc những sai lầm như thế.

 

Anh tin rằng phim Nghề báo sẽ thuyết phục được công chúng và các nhà báo, trong khi bản thân anh lại nghi ngờ báo chí?

 

Tôi nghi ngờ để tôi có một cái nhìn đa diện về công việc không đơn giản này. Trước đây, tôi chỉ là người đứng ngoài nhìn vào nghề báo, nhưng khi bắt tay vào làm phim, tôi suy nghĩ nhiều hơn, hiểu hơn  về cơ chế hoạt động báo chí, những khó khăn, thuận lợi của người cầm bút.

 

Tôi cảm thấy mình như được nhập cuộc, được sống và làm việc trong một toà soạn, với công việc, áp lực, của các nhà báo. Nếu muốn khen ngợi suông thì đơn giản. Khán giả xem Nghề báo sẽ thấy hình ảnh các nhà báo phim tôi rất đẹp, các nhà báo xem phim sẽ thấy đó là một lời khen, nhưng không phải là một lời khen suông đơn giản!

 

Xin cảm ơn đạo diễn Phi Tiến Sơn!

 

Hiền Hương