DMagazine

Các nạn nhân vụ Địa ốc Alibaba có khả năng lấy lại được bao nhiêu tiền?

(Dân trí) - Điều các bị hại của Công ty Alibaba quan tâm nhất lúc này là khi thi hành án, họ lấy lại được bao nhiêu tiền sau mấy năm chờ đợi. Không ít nạn nhân sẽ phải bán nhà trả nợ nếu không lấy lại được tiền.

Bị hại vụ địa ốc Alibaba có khả năng lấy lại được bao nhiêu tiền?

Điều các nạn nhân của Alibaba quan tâm nhất lúc này là họ sẽ lấy lại được bao nhiêu tiền khi tòa thi hành án? Không ít người phải bán nhà trả nợ nếu không lấy lại được tiền từ công ty địa ốc tai tiếng này.

Nhà đầu tư lâu năm cũng "sập bẫy"

Ông Đào Văn Chiến, 59 tuổi, đầu tư khoảng 8 tỷ đồng vào 2 dự án Alibaba Phước Bình Central Park 3 và Alibaba Golden City. Gia đình tứ đại đồng đường của ông ở chung cho đến khi ba mẹ ông mất, bán căn nhà đang sống tại quận Bình Thạnh rồi chia mỗi người một ít để đi mua nhà mới ở riêng.

Ông Chiến cho biết, trước khi mua ông cũng đắn đo rất nhiều, sợ bị lừa nhưng vì nhân viên của Alibaba nói hay quá, cam kết mua lại rồi khả năng thanh khoản cao nên ông cũng đỡ lo. Để yên tâm hơn, ông Chiến còn yêu cầu giám đốc cho xem sổ đỏ và pháp lý.  "Giám đốc tên Chung lúc đó không hiểu lấy ở đâu cả một chồng sổ đỏ cho tôi xem. Sổ sẵn rồi ai mua chỉ cần điền tên vào là được. Tôi là người gốc Hà Nội, thấy có mấy người ở Đống Đa Hà Nội có tên ở đó, nên mới yên tâm xuống tiền", ông Chiến kể lại.

Vì sao người dân bị Alibaba "đưa vào tròng"?

Anh Đông nhà ở Tân Bình, TPHCM, làm công ăn lương, dành dụm nhiều năm mới để ra được 600 triệu đồng cũng đầu tư vào 3 nền đất của Alibaba. Anh cho biết, thấy công ty quảng cáo rầm rộ bằng nhiều phương thức, đội ngũ nhân viên đông đảo và vốn điều lệ tăng lên hàng nghìn tỷ đồng trong một thời gian ngắn nên anh quyết định xuống tiền. Suốt 3 năm nay anh Đông lo lắng không biết mình có lấy lại được số tiền đã đầu tư hay không. Anh hi vọng phiên tòa này sẽ giúp anh và các bị hại khác có thể lấy lại được phần nào số tiền đã đầu tư vào Alibaba.

Các nạn nhân vụ Địa ốc Alibaba có khả năng lấy lại được bao nhiêu tiền? - 1

Đông đảo bị hại đến xem diễn biến phiên tòa nhưng chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào (Ảnh: Cao Bách).

Anh Đạt là môi giới bất động sản tại Bình Dương cả chục năm nay, đã "tìm hiểu kỹ lắm" về Alibaba nhưng cuối cùng nhưng cũng bị "chôn" gần 800 triệu đồng vào dự án Tóc Tiên Vũng Tàu của Alibaba.

Anh cho biết, khi xuống tham quan dự án thấy cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, đường xá đã xong, có cả ki-ốt để cho thuê, giấy tờ pháp lý đầy đủ nên rất yên tâm. Chưa hết, nhân viên sales của Alibaba đưa bằng chứng là nhiều người đầu tư vào đây đã lấy được lợi nhuận ra, anh Đạt kiểm tra thì đúng là có người đã lấy được một vài lần lợi nhuận nên anh quyết định đi dồn hết tiền tiết kiệm, đồng thời đi vay thêm ngân hàng để đầu tư.

"Tôi định đầu tư vào đấy vài năm để lấy ra lợi nhuận nhưng không ngờ lại bị lừa. Dự án gần 800 triệu đồng nhưng vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng, bây giờ mà không lấy lại được đồng nào thì tôi phải bán nhà để trả nợ", anh Đạt chua chát nói.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, 78 tuổi đang sống tại Bình Thạnh, TPHCM. Ông Lân dồn hết tiền tiết kiệm cả đời được hơn 2 tỷ đồng, mua hơn 10 thửa đất ở nhiều dự án của Alibaba. Ông cho biết, đất Alibaba bán chỉ hơn 100 triệu đồng/lô nên ông và nhiều người dễ mua. Khi mua xong lô này lại được giới thiệu mua lô khác ở dự án khác.

Ông Lân kể, khi ông đang định bán lô đất đã mua ở dự án Long Phước 6 (huyện Long Thành, Đồng Nai) thì nhân viên của công ty khuyên nên giữ lại vì dự án này sẽ còn tăng nữa khi sân bay quốc tế Long Thành khởi công xây dựng. 

Chưa hết, CEO Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện còn khẳng định chắc nịch là sẽ bảo đảm về pháp lý, khả năng sinh lời của dự án. Nếu không có lời sau 12 tháng, công ty sẽ thu mua lại với lợi nhuận 28% kèm theo chính sách bán lại không thu phí đối với người đã đầu tư vào dự án. Vì vậy, ông Lân đã giữ lại, không bán nữa.

Các nạn nhân vụ Địa ốc Alibaba có khả năng lấy lại được bao nhiêu tiền? - 2

Vì số lượng bị hại quá đông nên tòa chia bị hại đến dự tòa theo tên dự án. Có nhiều người đến tòa không được vào vì đến không đúng ngày (Ảnh: Hữu Khoa).

Từ ngày vụ việc Alibaba lừa đảo bị vỡ lở, ông Lân cho biết, ông không có cách nào tiếp cận được với công ty để giải quyết. Những môi giới của công ty bán hàng cho ông cũng không liên lạc được. Hôm nay ông đến tòa để nghe ngóng xem Nguyễn Thái Luyện sẽ trả lời ra sao với ông và các bị hại khác. Ông Lân nói, ông mong muốn thu hồi lại được tiền mình đã đầu tư, không cần lấy lãi, chỉ cần trả lại gốc cho ông cũng được.

"Nguyễn Thái Luyện phải trả lời trước tòa về cách giải quyết của Alibaba cho các bị hại. Tôi nghe nói đến giờ này Luyện vẫn không chấp nhận tội lừa đảo. Vậy không lừa thì phải trả lời rõ ràng là giải quyết thế nào cho nhà đầu tư, thời hạn cụ thể thế nào?" Ông Lân tâm tư.

Khả năng lấy được 60% tài sản?

Luật sư Huỳnh Hà Quốc Bửu - Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương đang bảo vệ cho 3 bị hại tại các dự án của Alibaba. 

Sau khi làm việc với các bị hại và đọc hồ sơ vụ việc, ông Bửu đánh giá thủ đoạn của Alibaba rất thông minh khiến nhiều người dễ sập bẫy. Ông Bửu cho biết, cả 3 thân chủ của ông đều được phổ biến "luật chơi" rất hấp dẫn mà Alibaba đưa ra.

Ai mua đất mà thanh toán trước 95% giá trị thửa đất, sau 1 tháng sẽ được công ty trả lãi 2%, sau 4 tháng là 10%, sau 6 tháng là 18% và sau 12 tháng là 35%. Vì giá mỗi nền chỉ 200-300 triệu đồng nên rất nhiều người đầu tư, có người đầu tư nhiều nền. Riêng 3 thân chủ của ông Bửu đã đầu tư hơn 20 nền với số tiền hơn 4 tỷ đồng vào các dự án của Alibaba. Nhiều người nghĩ giá trị mỗi nền thấp mà có nhiều người mua nên khả năng bị lừa thấp, hơn nữa công ty có tài sản và cũng phát triển nhanh nên họ không ngại xuống tiền.

Các nạn nhân vụ Địa ốc Alibaba có khả năng lấy lại được bao nhiêu tiền? - 3

Bị hại chăm chú theo dõi phiên tòa (Ảnh: Hữu Khoa).

Ông Bửu cho biết thêm, Alibaba bán hàng theo kiểu đa cấp. Tất cả nhân viên của Alibaba đều phải mua đất của công ty từ một đến vài nền. Sau khi mua xong còn lôi kéo bạn bè người thân vào mua thêm. Điều đáng nói là những dự án này đều là dự án không có thật. Cho nên, rất nhiều người là nhân viên của Alibaba cũng trở thành bị hại trong vụ lừa đảo quy mô lớn này.

Nói về khả năng lấy lại tiền của các bị hại trong vụ việc này, Luật sư Bửu phân tích, vụ việc này có hơn 4.000 bị hại. Tổng số tiền Nguyễn Thái Luyện và cộng sự lừa đảo khoảng 2.500 tỷ đồng. Hiện tại, cơ quan chức năng đã thu giữ được trên 200 tỷ đồng tiền mặt và một số miếng đất trị giá khoảng trên 1.600 tỷ đồng. Nếu số đất này đem đấu giá ra, khả năng bị hại sẽ lấy được tiền, khoảng trên 60% tổng số tiền đã đầu tư. 

Sau khi có bản án của tòa, nếu không có kháng cáo, tòa sẽ tiến hành kê biên tài sản, còn đất sẽ đem đấu giá. Thời gian lâu hay nhanh tùy thuộc vào quá trình đấu giá. Sau khi đấu giá xong, thu được bao nhiêu tiền thì bộ phận thi hành án sẽ tiến hành chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ.

Qua vụ việc này, luật sư Bửu cảnh báo người dân trước khi quyết định mua một dự án cần tìm hiểu và suy nghĩ kỹ xem những lời hứa về lợi nhuận mà chủ đầu tư cam kết có thực tế hay không? Họ lấy tiền từ đâu để trả cho nhà đầu tư mức lợi nhuận đó. Điều quan trọng nữa là tính pháp lý của dự án cần phải được xem xét kỹ. Đa phần pháp lý các dự án của Alibaba là quy hoạch trên đất chưa có hạ tầng, hoặc có hạ tầng nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá và có biên bản nghiệm thu. 

Theo luật sư Bửu, đối với dự án đất nền buộc phải hoàn thiện pháp lý, đặc biệt là khi có quy hoạch 1/500, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt hạ tầng mới được quyền bán. Nhưng hạ tầng của Alibaba chưa được chính quyền phê duyệt thông qua.

Điều mà nhiều người dân bức xúc là tại sao Alibaba bán đất số lượng lớn, công khai như vậy mà chính quyền địa phương không hề có động thái kiểm tra, xử lý. Trong khi quản lý đô thị chỉ cần thấy người dân đổ một chút vật liệu xây dựng là đã bị "hỏi thăm", mà Alibaba làm rầm rộ quy mô lớn, trong thời gian dài mà cơ quan chức năng không biết? Luật sư Bửu kiến nghị Nhà nước cần rà soát lại chính sách quản lý làm sao để không có thêm một Alibaba thứ 2 tồn tại và tiếp tục phát triển như vậy nữa.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho các bị hại.

Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các "dự án" do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân, cụ thể:

Thứ nhất, Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ hai, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện lập ra. Từ đó, những công ty do Luyện lập ra vẽ các dự án "ma" trên đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.

Thứ ba, sau khi được ủy quyền từ cá nhân, pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên đất nông nghiệp để bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định.

Thứ tư, Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối đất nền trong dự án tự vẽ với công ty Alibaba. Từ đó, công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho khách hàng nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Bên cạnh đó, "siêu lừa" còn tạo ra các giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng.

Bước 5, sau khi khách hàng đồng ý mua theo quảng cáo của công ty, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng nhưng tiền thì nộp về cho Luyện quản lý.

Nội dung: Nguyễn Văn Hải
Ảnh: Hữu Khoa, Cao Bách
Video: Nguyễn Văn Hải, Cao Bách