Bài 6:

Vụ dành cả thanh xuân đi đòi đất: "Quyết định của UBND TP.HCM không hợp lý"

(Dân trí) - Đó là khẳng định của luật sư Hà Hải về việc UBND TP.HCM không giải quyết quyền lợi cho bà Phượng, người phụ nữ đã dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất. Theo luật sư Hải, UBND TP đã áp dụng nhiều quyết định không hợp lý gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Phượng.

screen shot 2018-06-24 at 5

Bằng khoán điền thổ số 1103, thuộc loại đất ruộng có diện tích 16.000m2 nhằm lô số 330 tờ bản đồ thứ 4 – Bình Trị Đông (khu đất này trước đây thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân của gia đình bà Phượng.

Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo UBND TP.HCM, trong quá trình xem xét, xử lý đơn khiếu nại của bà Phượng nhận thấy phần đất hơn 5.200m2 nằm trong tổng diện tích 16.000m2 thuộc bằng khoán 1103 Bình Trị Đông là có nguồn gốc do bà Trần Thị Đê (mẹ chồng bà Phượng) đứng bộ trước ngày 30/4/1975, sau ngày giải phóng, gia đình bà Đê không trực tiếp sử dụng đất.

Trong văn bản số 934/UBND-PCNC ngày 27/2/2013 của UBND TP.HCM thể hiện, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của bà Phượng, UBND TP có ký nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đề xuất đối với khiếu nại của bà Phượng và các đơn vị có báo cáo, đề xuất nhưng thực tế việc thực hiện đo đạc hiện trạng gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết…

Sau khi TTCP có kết luận số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 và nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM bất ngờ có thông báo số 118/TB-UBND về chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại, tranh chấp của bà Lê Thị Hồng Phượng. Điều này khiến gia đình bà Phượng vô cùng bức xúc.

Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Văn phòng Chính phủ phát đi nhiều thông báo chỉ đạo giải quyết vụ việc nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Liên quan đến nội dung giải quyết khiếu nại của UBND TP.HCM đối với vụ việc của bà Phượng, luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, UBND TP.HCM đã áp dụng nhiều quyết định không hợp lý gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Phượng.

Luật sư Hải phân tích: “UBND TP.HCM xác định rằng bà Đê qua đời ngày 23/6/2013 thì việc giám hộ của bà Phượng sẽ đương nhiên hết hiệu lực là không hợp lý, bỏi theo Khoản 2 điều 73 BLDS 2005 về hậu quả chấm dứt việc giám hộ có nêu rõ: “Chuyển cho người thừa kế của người được giám hộ khi người được giám hộ chết". Như vậy, khi hậu quả việc giám hộ của bà Phượng mất đi, bà vẫn phải chuyển cho người thừa kế của người được giám hộ về quyền và nghĩa vụ phát sinh.

"Do đó, UBND TP.HCM cho rằng và Phượng được bà Đê ủy quyền về tài sản giám hộ đã hết hiệu lực và chấm dứt nên và Phượng không còn đủ tư cách đại diện bà Đê để gửi đơn khiếu nại và không có cơ sở để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với bà Phượng là không hợp lý. Ở đây UBND TP.HCM đã nhận định sai về Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại là không đúng", luật sư Hải nhận định.

Theo Luật sư Hải, tuy bà Đê qua đời nhưng rõ ràng đây là tài sản bà Đê để lại. Do đó, nếu UBND TP.HCM cho rằng bà Phượng không có tư cách khiếu nại về tài sản của bà Đê cần xem xét quy định sau: Khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: "Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền thì nghĩa vụ về tài sản của họ sẽ được người thừa kế tiếp tục tham gia tố tụng". Chính vì vậy, UBND TP.HCM cho rằng bà Đê chết thì quyền giám hộ của bà Phượng cũng mất và không có ai có quyền thừa kế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Đánh giá về việc chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại của UBND TP.HCM, luật sư Hải phân tích: “Thông báo số 118/TB-UBND ngày 5/4/2013 về chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại, tranh chấp của bà Phượng căn cứ Điều 11 Luật khiếu nại là không đúng quy định pháp luật. Bởi vì bản chất của thông báo này có thể hiểu là quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc khiếu nại của bà Phượng. Tuy nhiên, UBND TP.HCM lại không ra một quyết định mà chỉ là Thông báo là sai”.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương chia sẻ với những nỗi gian khó, uất ức của bà Phượng phải trải qua suốt 40 năm.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương chia sẻ với những nỗi gian khó, uất ức của bà Phượng phải trải qua suốt 40 năm.

Luật sư Hải cho rằng, UBND TP.HCM đã quá ưu ái cho ông Nguyễn Văn Nhờ (nguyên lãnh đạo huyện Bình Chánh, người bị bà Phượng khiếu nại) và đưa ra nhiều điểm bất lợi cho bà Phượng. “Diện tích 1.000m2 đất còn lại chỉ được tạm cấp để sản xuất nông nghiệp nhưng khi xét công nhận lại được coi là đất ở. Vì sao UBND TP.HCM lại cấp cho ông Nhờ 1.000m2 và còn cho mượn sử dụng thêm 1.000m2, điều này thật phi lý. Theo quy định của Luật đất đai, đất không tranh chấp mới được cấp GCNQSDĐ. Tuy vậy, thời điểm đó bà Phượng vẫn còn khiếu nại ông Nhờ, tại sao UBND lại có thể cấp GCNQSDĐ cho ông Nhờ được”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 12/7, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã trực tiếp có buổi làm việc với bà Phượng, ông Điệp khẳng định, TTCP sẽ quyết liệt xử lý sự việc và không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân. Theo ông Điệp, nguyên nhân dẫn đến sự việc kéo dài hơn 40 năm qua có lỗi chủ quan và khách quan. Nhiều sự việc còn thiếu sự đồng bộ giữa các ban ngành. Tuy vậy, TTCP sẽ đôn đốc xử lý nhanh hơn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm giải quyết bức xúc cho gia đình bà Phượng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xuân Hinh - Trung Kiên