Nâng cao chất lượng học vị, học hàm ở nước ta

Cha ông ta đã để lại những lời dạy bất hủ cho hậu thế: “Phi trí bất hưng”; “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh mà hưng thịnh...”.

Kế tục truyền thống tốt đẹp đó,sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ kính yêu và Đảng ta luôn coi trọng nhân tài, tuyển mộ người có đức, có tài để giúp đất nước thoát khỏi hiểm họa ngoại xâm và để kiến quốc.

Vì vậy, chủ trương trao văn bằng học vị cũng như học hàm (về sau gọi là chức danh khoa học) có ý nghĩa đẹp đẽ nhằm tuyển chọn và tôn vinh nhân tài cho đất nước đã được tiến hành nhiều năm nay. Tuy nhiên công việc này chưa được làm tốt, cho nên văn bằng cũng như chức danh khoa học thì nhiều, mà thực tài thì ít; không ít trường hợp chọn nhầm đối tượng, tôn vinh kẻ bất tài và bỏ sót tài năng đích thực.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhiều người có học vị, học hàm cao, nhưng hầu như không có công trình khoa học hay bằng sáng chế nào đáng kể; thậm chí có giáo sư (GS), tiến sĩ (TS) sau khi được nhận chức danh đó không còn thực sự tham gia nghiên cứu khoa học hay hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Chúng ta đã trải qua hàng chục đợt xét học hàm, đào tạo đội ngũ khoa học đông đảo: Cao đẳng, tại chức, chuyên tu, chính quy, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, đã từng cấp 1,2 triệu văn bằng. Tuy nhiên trong số đó có 6.870 văn bằng bất hợp lý, 2.057 cán bộ có văn bằng giả, 269 công chức bị buộc thôi việc, 400 cán bộ bị cách chức vì thiếu trung thực về bằng cấp, 1.379 sinh viên bị buộc thôi học (Báo ANTG ngày 8/4/2006). Con số tổng kết đó vẫn chưa đầy đủ, vì chỉ là con số bị phát hiện. Số bị lọt lưới còn lớn hơn nhiều. Bởi vậy đội ngũ GS, TS ở ta đông hơn Thái Lan mà bằng sáng chế lại ít hơn nhiều là một nghịch lý đáng buồn (Đài TNVN)...

Nhờ có dư luận xã hội và có những bài điều tra, phản ánh của báo chí, có người đã bị tước bằng TS, vì ăn cắp nội dung luận án của người khác. Tuy nhiên, vẫn còn người lọt lưới, do thế mạnh của “ô dù”, không bị mất chức, mà còn lọt vào Hội đồng Xét chức danh khoa học (KH) liên ngành theo kiểu ngược đời “kẻ không có học vị xét trao học hàm cho người có học vị”. Điều vô lý đó đã làm mất lòng tin trong giới khoa học và công chúng...

Ở nước ngoài, vấn đề phong GS, PGS không rắc rối, phức tạp như ở ta, mà chọn đúng người tài dích thực với nhiều công trình khoa học được ứng dụng. Ở ta đề ra tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ, tiêu chuẩn thay đổi liên tục vẫn chọn nhầm đối tượng. Có ông ở Hội đồng học hàm nói: “Tiêu chuẩn xét GS, PGS ở nước ngoài phải có bằng TS, nên tiêu chuẩn xét ở ta cũng phải có bằng TS”.

Nhận xét đó không đúng. Ở Đức người ta phong GS, PGS không lấy bằng TS làm cơ sở, miễn là có tài đích thực, có nhiều đóng góp trong thực tế, thể hiện bằng các công trình KH, nghệ thuật được ứng dụng thực tiễn. Ví như ông Hohn mới ra trường 5 năm, nhờ tác phẩm “tủ đa dụng” rất tiện lợi, được đăng ký sáng chế độc quyền, được phong GS. Trái lại TS kỳ cựu như Dr. Kieser thầy dạy ông ta, vì ít công trình KH được công bố nên đến năm 65 tuổi bảo vệ TS bậc cao (Dr.habil) ông mới được phong GS trước lúc nghỉ hưu. Trong lúc đó hàng loạt thầy giáo làm nghề trang sức, nghề mộc, đồ chơi... ở Đại học Design & Nghệ thuật ở tỉnh Halle, CHDC Đức (trước đây) được phong GS, PGS mặc dầu họ không có học vị TS, vì cả thế giới và ở Đức, chưa nơi nào đào tạo TS cho các ngành nghề Technical Design, họa sĩ, nhạc sĩ...

Đặc biệt người Đức rất trọng thực tiễn, đến nỗi ở trường này có ông ra trường làm ở xí nghiệp (Paul Junge), hay ông khác mở công ty tư nhân (Jochen Ziska) sau 10 năm thực tiễn được mời về trường bổ nhiệm PGS ngay, rồi GS, chủ nhiệm khoa rồi hiệu trưởng. Ở ta rất rắc rối điểm phiếu, bầu bán từ Hội đồng KH cơ sở lần lượt từ cấp dưới lên cấp trên, qua Hội đồng Học hàm, qua bao nhiêu cửa ải, kéo dài hàng năm, tốn bao nhiêu giấy chứng nhận, bản Fotocopy các công trình viết, chất chứa đầy kho lưu trữ của Hội đồng Học hàm Nhà nước, mà vẫn chọn nhầm hay bỏ sót nhân tài... (ở Đức không có kho này, mà lưu lại trong kho của trường).

Khác biệt với ta, việc bổ nhiệm GS, PGS ở Đức không cầu kỳ, họ chỉ thông qua Hội đồng GS (Senat) ở trường xem xét để phong GS, PGS cho thầy giáo có nhiều công trình KH được ứng dụng rồi trình lên Chính phủ của Bang hay Liên Bang để được phong, trừ trường hợp có đơn khiếu nại thì dừng lại xem xét liệu có xứng danh GS, PGS để ra quyết định, kéo dài trong vòng vài tuần...

Tiêu chuẩn xét GS, PGS ở ta thay đi, đổi lại nhiều lần, cuối cùng chốt lại những tiêu chuẩn như sau:

Đối với GS:

1- Phải có bằng TS sau 3 năm

2- Phải có ngoại ngữ bậc đại học (trong 5 ngoại ngữ quy định)

3- Phải hướng dẫn TS

4-Phải chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước

5- Phải có số điểm KH được công bố trên báo chí là 20 điểm

Đối với PGS:

1- Phải có bằng TS

2- Phải có một ngoại ngữ bằng C (trong 5 ngoại ngữ quy định)

3- Phải hướng dẫn Thạc sĩ

4- Phải chủ nhiệm đề tài cấp Bộ

5- Phải có số điểm KH được công bố trên báo chí là 10 điểm

Nhìn khái quát, các tiêu chuẩn nói trên còn nặng về “Học vị TS”, vì hướng dẫn sau đại học phải có bằng TS. Nhưng bằng TS hiện nay chưa đủ tin cậy, vì luận văn thường không có “tính mới”, dởm nhiều quá (như nói ở trên). Mặt khác nếu nặng về học vị TS thì chỉ áp dụng cho các trường KH tự nhiên, khối văn hoá, nghệ thuật bị bỏ rơi. Không có trường đại học nào ở khối này đạt được, vì hầu hết nghệ thuật thực hành gồm họa sĩ, nhạc sĩ... Những GS, PGS trong ngành này, nếu xét lại thì trượt 95%, nên tiêu chuẩn trên thiếu thực tế, không công bằng, không áp dụng rộng rãi trong các ngành nghệ thuật được

Trong tiêu chuẩn xét phong GS, PGS, tiếc thay không nêu tiêu chuẩn đạo đức lên hàng đầu, vì có TS bôi nhọ chế độ, lãnh tụ, nếu xét phong họ chức danh GS, PGS, họ sẽ biến giảng đường thành nơi chống đối chế độ... Thậm chí khi đào tạo TS, Thạc sĩ, hay xét chức danh giảng viên chính, cần loại trừ những nguời có phẩm chất đạo đức kém, bị kỷ luật, chống chế độ..

Dựa vào một số phân tích chưa đầy đủ nêu trên, tôi đề nghị Nhà nước ta nên có sự cải tổ mạnh mẽ trong việc xét phong GS, PGS như sau:

Cần mở rộng việc phong GS, PGS cho các thầy giáo đạt những tiêu chuẩn chủ yếu sau đây:

1- Tiêu chuẩn đạo đức phẩm chất của nhà khoa học được đưa lên hàng đầu, vì có chuyên mà không có hồng, có tài mà không có đức thì phản tác dụng, không giúp ích gì cho đất nước, chỉ chạy theo chủ nghĩa thực dụng, cá nhân bản vị, không có lợi gì cho đất nước, thậm chí chống lại chế độ.

2- Phải tốt nghiệp đại học (còn phải linh động, vì có GS tự học thành tài)

3- Phải tính điểm các công trình KH: Xét phong GS phải đạt trên 30 điểm, PGS phải đạt trên 20 điểm. Tất cả công trình viết được công bố, sách xuất bản, bài báo KH trên các báo, tạp chí, tập san, văn bằng TS, ngoại ngữ, bằng sáng chế độc quyền, bản quyền tác giả, ưu tiên công trình cải tiến máy móc được sản xuát hàng loạt... Các tác phẩm tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng... được tính ra điểm hết. Ai đủ điểm không cần bình xét. Trừ trường hợp thiếu điểm hoặc có khiếu nại mới cần hội đồng bình xét, vì điểm chỉ quy định tương đối (Einstand).

Ví dụ: một quyển sách được xuất bản được tính 5 điểm, 1 bằng TS 5 điểm, một bằng sáng chế 5 điểm, 1 bằng bản quyền tác giả 3 điểm, bằng Thạc sĩ 2 điểm, 1 công trình sáng chế cải tiến máy móc được sản xuất hàng loạt đưa lại hiệu quả kinh tế tính 10 điểm, 1 công trình đăng trên báo chí tính 1 điểm... Các công trình KH được giải thưởng đạt từ 6 đến 12 điểm, giải nhất quốc tế 20 điểm....

Một tác phẩm nghệ thuật được triển lãm toàn quốc được 3 điểm, một tác phẩm đạt giải Nhất triển lãm toàn quốc 10 điểm, giải Nhì 6 điểm, giải Ba 4 điểm... Một tranh treo trong bảo tàng 3 điểm, giải Nhất quốc tế 15 điểm...

Trên đây là ý kiến đóng góp tâm huyết của cá nhân tôi, mong góp phần tìm ra giải pháp thỏa đáng để nâng cao chất lượng học vị, học hàm ở nước ta, khắc phục tình trạng tụt hậu khá xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Phạm Phú Uynh
17/4/360 đường La Thành - Đống Đa- Hà Nội

LTS Dân trí - Muốn phát triển nhanh nền giáo dục cũng như nền khoa học của nước nhà đúng với tầm vóc của quốc sách hàng đầu thì điều quan trọng trước hết là chúng ta phải đào tạo và xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn có học vị, học hàm đúng với tiêu chuẩn cần thiết, thể hiện đúng thực tài bằng những công trình nghiên cứu, sáng tạo có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đấy cũng là lực lượng cán bộ khoa học chủ chốt trong các lĩnh vực hoạt động khoa học, giáo dục, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…

Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn chính là tạo ra tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nước nhà mà giáo đại học được coi là “đầu tầu”. Đấy cũng là tiền đề quan trong để nâng cao chất lượng hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh cũng như phong các chức danh khoa học PGS, GS là một yêu cầu khách quan, cần được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn.

Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây và mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp khác.