DNews

Bao nhiêu người bị "treo" lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội?

Lê Hoa

(Dân trí) - Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ tuổi nghỉ hưu song 3 năm qua, bà Lê Thị Hà chưa có lương hưu. Bà là một trong số hàng nghìn chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu sai tiền bảo hiểm xã hội đến... 13 năm.

Bao nhiêu người bị "treo" lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội?

Bao nhiêu người bị "treo" lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội?

(Dân trí) - Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đến tuổi 55 từ năm 2020, song đến nay, bà Lê Thị Hà vẫn mòn mỏi đợi chờ lương hưu. Sở dĩ chưa được giải quyết, vì bà là chủ hộ kinh doanh cá thể, không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng bị thu sai đến... 13 năm.

3 năm ngong ngóng chờ lương hưu

Gần 60 tuổi, bà Lê Thị Hà (ở Yên Sơn, Tuyên Quang) vẫn cần mẫn đứng bán hàng trong tiết trời oi nóng ngột ngạt tại cửa hàng tạp hóa của gia đình. Lẽ ra, bà đã được nhận lương hưu hàng tháng, bớt nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày. Song, dù đã nhiều lần đến cơ quan bảo hiểm xã hội, thậm chí làm đơn kiện ra tòa giải quyết mà chế độ hưu trí của bà vẫn ở dạng... treo.

Bà Hà nhớ lại, năm 2004, cán bộ bảo hiểm xã hội địa phương đã đến nhà vận động bà, một chủ hộ kinh doanh cá thể, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghe tuyên truyền, thấy ích lợi của khoản lương hưu lúc về già, bà đã gật đầu tham gia.

"Lúc đó, tôi được cán bộ bảo hiểm xã hội đưa cho một tờ khai lý lịch và được cấp một quyển sổ bảo hiểm xã hội. Mỗi tháng, tôi đóng 80.000 đồng", bà Hà kể.

Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 1

Bà Lê Thị Hà là chủ hộ kinh doanh văn phòng phẩm (Ảnh: NVCC).

Bản thân bà Hà cũng không nắm rõ đã tham gia loại hình bảo hiểm xã hội nào. Chỉ biết rằng khi bị đau ốm phải nằm viện, bà vẫn được hưởng các chế độ.

Song, bà Hà cho biết: "Vào năm 2016, chị tôi làm thủ tục thanh toán ốm đau thì được cán bộ bảo hiểm trả lời tạm thời về nhà, khi nào có sẽ gọi lên thanh toán. Tuy nhiên, khi yêu cầu ký xác nhận, cán bộ bảo hiểm lại không dám viết, không dám ký".

Từ đợt đó, cán bộ bảo hiểm xã hội lại gọi bà Hà đến, báo chuyển trường hợp của bà từ diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. "Mọi thủ tục chuyển do bên bảo hiểm làm, còn tôi cũng chỉ biết ký vào tờ khai", bà Hà nói.

Từ  năm 2016 bà được chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội với mức thu của quý I, II là 2.925.000 đồng. Để có lương hưu về sau khá hơn, chủ hộ kinh doanh này đã cố gắng đóng ở mức cao.

Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 2
Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 3

Bà Hà cho biết: "Do gia đình cũng không phải dư giả, chủ yếu trông chờ vào cửa hàng văn phòng phẩm, lúc khó khăn, tôi đã phải thanh lý một hợp đồng bảo hiểm thương mại để lấy tiền đóng tiếp bảo hiểm xã hội".

Đến năm 2020, khi 55 tuổi, bà Hà đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động lúc bấy giờ. 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 3 năm nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà vẫn thiếu 45 tháng đóng bảo hiểm mới đủ 20 năm để được hưởng lương hưu. Bà tính nộp một lần số tháng còn thiếu, tương đương 65,7 triệu đồng.

"Để có gần 70 triệu đồng đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu, gia đình chúng tôi đã phải đi vay mượn", bà Hà than thở.

Nghĩ rằng đóng một lần cho những năm còn thiếu vào tháng 4/2020, thì đến tháng 5 năm đó bà sẽ được nhận tháng lương hưu đầu tiên. Tuy nhiên, đến khi đó mới "ngã ngửa" là chế độ hưu trí của bà không được giải quyết bởi 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bị thu sai. Đối tượng chủ hộ kinh doanh như bà không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3 năm nay mòn mỏi chờ đợi song bà chỉ nhận được câu trả lời từ phía cơ quan bảo hiểm xã hội là... tiếp thu ý kiến và tổng hợp báo cáo cấp trên giải quyết.

Bà Hà là một trong 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, tính đến tháng 9/2016.

4.000 người bị thu bảo hiểm sai quy định hàng chục năm

Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 4

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu việc cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết vấn đề chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian đóng để được hưởng chế độ.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi sai 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội với 356 triệu đồng; chi trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với 91 trường hợp chưa đúng quy định với 3,6 tỷ đồng.

Theo ông Bình, qua giám sát cho thấy, theo quy định của pháp luật, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhưng từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội tại nhiều địa phương đã thu bảo hiểm bắt buộc đối với những trường hợp nêu trên.

Do việc này thực hiện không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ, trong đó có nhiều trường hợp đã đóng được gần 20 năm.

Điều này đã khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh ra tòa.

Người lao động "ngay tình" khi tham gia bảo hiểm

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, từ tiếp cận của người tham gia bảo hiểm xã hội có thể thấy những người lao động đã đóng để đảm bảo quyền lợi sau này. Khi tham gia, người dân không nắm bắt được quy định mình không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Họ tin tưởng vào cơ quan bảo hiểm và được thu trong thời gian dài.

"Về quy định pháp luật, những người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng họ rất "ngay tình". Chính vì vậy, những người đã đóng tiền phải được đảm bảo quyền lợi", ông Nghĩa khẳng định.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến người dân cũng đã bổ sung nhóm hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, theo ông Nghĩa, hơn 4.000 người tại thời điểm tham gia bảo hiểm chưa có quy định này nhưng trong tương lai, nhà nước đang xét bổ sung quy định. Đó là căn cứ để xem xét, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 5

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội).

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nghĩa cho rằng, qua sự việc này, việc kiểm tra, giám sát nội bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một vấn đề cần phải đặt ra.

"Tại sao trong một thời gian dài như vậy, quy mô lớn, với hơn 4.000 trường hợp trên phạm vi gần như cả nước mà không có thông tin báo cáo kịp thời để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sao có hiện tượng ở một số địa phương mà vẫn triển khai thu bảo hiểm sai như vậy ở nhiều địa phương khác?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện quy định bảo hiểm xã hội hiện hành cũng như Luật Bảo hiểm xã hội đang được sửa đổi, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần phải có biện pháp chấn chỉnh, xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.

Công nhận thời gian đóng với 4.000 người bị thu sai?

Thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP, từ năm 2003, các hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động có hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn sẽ được lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong đó, nhiều hộ lập danh sách cả chủ hộ, với nhận thức chủ hộ là người trực tiếp làm việc, trực tiếp thực hiện các công việc sản xuất kinh doanh như người lao động. 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quá trình thực hiện, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bao gồm cả chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần.

"Tuy nhiên còn nhiều trường hợp chủ hộ chưa được tính thời gian đóng, chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia", Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu.

Để thống nhất nhận thức trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với hộ kinh doanh cá thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có các văn bản chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương dừng thu bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ.

Theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm để tạo ra của cải vật chất.

Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 6
Bao nhiêu người bị treo lương hưu vì thu sai tiền đóng bảo hiểm xã hội? - 7

Vì vậy, việc các chủ hộ tự tạo việc làm thời kì này theo định hướng của Nhà nước rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ tự sản xuất kinh doanh phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như là một người lao động. Thời gian này chưa có chính sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số đông chủ hộ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, họ có được khoản thu nhập, tiền lương. Như vậy có thể coi đây là một dạng của hợp đồng tự thỏa thuận, tự ký, nên tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động bình thường khác.

Các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia cho cả hộ nếu bản thân không được tham gia bảo hiểm xã hội.

Trước thực trạng đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, việc thoái thu cho khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện. Nguyên nhân do không có sự đồng thuận từ phía người lao động là chủ hộ. Như vậy, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng vì đã tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài.

Từ phân tích đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với chủ trương thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể bao gồm cả chủ hộ là tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, đơn vị này đề xuất giao Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tính thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) đối với chủ hộ kinh doanh cá thể.