Phát triển đô thị đa trung tâm: Động lực mới của thành phố Hải Phòng

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Phát triển đa cực không chỉ là xu thế tất yếu trên thế giới mà được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển các đô thị bền vững trong tương lai. Các thành phố lớn tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này và Hải Phòng là một trong số đó.

"Vết dầu loang" từ các đô thị đa cực, đa trung tâm

Khái niệm "đô thị đa cực" lần đầu tiên xuất hiện tại Bắc Mỹ được khoanh vùng cho khu vực gần đường cao tốc. Sau đó, khái niệm này dần trở nên phổ biến hơn. Cùng với sự phát triển kinh tế của thế giới, mô hình đa cực, đa trung tâm dần được triển khai ở nhiều quốc gia và các thành phố lớn.

Trong những năm gần đây, các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội hay TPHCM bắt đầu hình thành khu đô thị đa cực. Sự hiện hữu của những đại đô thị theo khu vực chính là động lực để thu hút cộng đồng cư dân từ nội thành ra ngoại thành, tạo nên những trung tâm mới. Ở đó, mỗi khu trung tâm sẽ trở thành một tâm điểm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống, từ nghỉ ngơi, làm việc, học tập, chăm sóc sức khỏe, giải trí đến thương mại dịch vụ.

Sự phát triển của các đô thị ngoài trung tâm được tạo động lực từ những công trình giao thông trọng điểm. Trong đó, đường vành đai được xem là "chìa khóa giao thông" của các khu vực này. Tuyến vành đai không chỉ đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Đánh giá về tác động của hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường vành đai đối với sự phát triển của đô thị, theo đại diện của Savills, hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích đô thị thường là một trong những yếu tố có thể tác động tới giá trị của bất động sản. Bên cạnh tháo gỡ các nút thắt giao thông, việc triển khai các công trình này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các tỉnh thành, đồng thời đẩy mạnh tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực. Đây là động lực thúc đẩy quan trọng đối với thị trường bất động sản, giúp mang đến tiềm năng phát triển và đầu tư các dự án xung quanh hoặc  ngay trên địa bàn.

Sự hình thành của các trung tâm mới tại Hải Phòng

Là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, sở hữu nhiều lợi thế, theo Quyết định 323 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phấn đấu đến năm 2045 - 2050 có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Với định hướng phát triển này, khu trung tâm cũ của Hải Phòng cần được mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu dịch chuyển của cư dân khắp nơi về Hải Phòng an cư, lập nghiệp.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, quận Kiến An được định hướng trở thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn và bán lẻ trong tương lai, trở thành một mắt xích nối dài từ vùng trung tâm cũ.

Phát triển đô thị đa trung tâm: Động lực mới của thành phố Hải Phòng - 1

Trục đường huyết mạch Bùi Viện nối dài mở đường cho tầm nhìn chiến lược dài hạn của Hải Phòng (Ảnh: Võ Phượng).

Kiến An có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm mới của Hải Phòng. Đầu tiên là lợi thế về vị trí khi ôm trọn trong dòng chảy của 2 con sông Lạch Tray, Đa Độ và 2 dãy núi Thiên Văn, Cột Cờ. Trong tương lai, một đô thị sầm uất, nhộn nhịp giao thương sẽ sớm hiện hữu tại Kiến An, thu hút cư dân, tiểu thương, khách du lịch.

Kiến An còn là tâm điểm của đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không kết nối với các vùng kinh tế, du lịch trọng điểm của miền Bắc như Đồ Sơn, Cát Bà, vịnh Hạ Long… Với vị trí đắc địa này, Kiến An hứa hẹn trở thành điểm trung chuyển người và hàng hóa giữa các địa phương.

Ngoài ra, theo quy hoạch của thành phố Hải Phòng, đường vành đai 2 với đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện đi qua Kiến An với tổng chiều dài khoảng 10,6 km sẽ được triển khai. Trong đó, tại trục đường Bùi Viện sẽ xây dựng cầu vượt nút giao với chiều dài cầu khoảng 250m; bề rộng mặt cầu 25m gồm 6 làn xe.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường vành đai 2 sẽ đáp ứng nhu cầu lưu thông của xe container, phân luồng phương tiện trọng tải lớn ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để tránh ùn tắc giao thông, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Thông qua vành đai 2, thời gian di chuyển từ khu vực cụm cảng Hải Phòng (cảng Hải Phòng, cảng Chùa Vẽ, cảng Đình Vũ, cảng Lạch Huyện…) theo quốc lộ 5, quốc lộ 10 và các tuyến đường tỉnh cũng được rút ngắn, thúc đẩy kinh tế cảng biển của Hải Phòng phát triển.

Phát triển đô thị đa trung tâm: Động lực mới của thành phố Hải Phòng - 2

Giao lộ thịnh vượng giữa đường vành đai 2 và trục đường Bùi Viện tại Kiến An, Hải Phòng (Ảnh phối cảnh dự án Golden Point).

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Vạn Phúc Điền - chủ đầu tư dự án Golden Point (Kiến An, Hải Phòng) đánh giá: "Bất động sản Kiến An sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, khi tuyến đường vành đai 2 thông xe. Với quỹ đất rộng, giá tốt và lợi thế về vị trí cùng quy hoạch, Kiến An sẽ là nơi đón làn sóng các nhà đầu tư đến tìm kiếm bất động sản để ở và khai thác kinh doanh".